Món ăn tốiMón ăn trưaMón ngon miền BắcMón ngon ngày lễMón ngon ngày TếtVịt

Cách làm vịt giả cầy miền Bắc đảm bảo ăn là nghiện

Đọc: 6 Phút

Vịt giả cầy là món ăn truyền thống miền Bắc với hương vị đậm đà, khó cưỡng. Cách làm vịt giả cầy ngon chuẩn vị không quá khó. Bạn có thể thực hiện nhanh chóng, để có một món ngon từ vịt chiêu đãi gia đình cuối tuần. Cùng Từ Điển Món Ăn vào bếp chuẩn vị các nguyên liệu để thực hiện các làm thịt vịt giả cầy nhé!

Chuẩn bị nguyên liệu nấu vịt giả cầy (4 người)

Để thực hiện cách làm vịt giả cầy chuẩn vị, khâu nguyên liệu đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Hãy lựa chọn các nguyên liệu tươi, ngon theo bảng dưới đây:

Nguyên liệu Số lượng
1 con vịt 1,2 kg
Riềng bánh tẻ (không già, không non) 1 nhánh
Nghệ tươi 1 nhánh
Sả 2 nhánh
Mẻ 2 muỗng canh
Gia vị: Nước mắm, mắm tôm, mì chính, mẻ, muối, rượu nếp,… Một ít
Rau thơm ăn kèm: Hành lá, rau ngổ, rau răm, ngò gai,… Một ít
Bún 1 kg
Khử mùi hôi vịt: Chanh, muối, gừng, rượu trắng Một ít
Cách làm vịt giả cầy
Nguyên liệu thực hiện món vịt nấu giả cầy miền Bắc

Các bước nấu giả cầy vịt miền Bắc

Vịt nấu giả cầy miền Bắc là món ăn quen thuộc kết hợp nhiều gia vị đặc trưng như riềng, mẻ, mắm tôm,… Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ cách nấu vịt giả cầy như thế nào. Dưới đây là cách làm vịt giả cầy đơn giản tại nhà:

Bước 1: Sơ chế vịt và các nguyên liệu

Bước sơ chế nguyên liệu nấu vịt giả cầy bao gồm việc sơ chế vịt cùng các nguyên liệu khác. Cách sơ chế thịt vịt không còn mùi hôi như sau:

  • Làm sạch vịt: Vịt sau khi được làm sạch lông cần nhổ hết lông tơ và cắt bỏ phao câu để loại bỏ tuyến nhờn gây mùi hôi.
  • Khử mùi hôi: Chà xát vịt với chanh và muối hạt, sau đó rửa sạch. Tiếp tục cho vịt vào thau cùng chút rượu trắng và gừng đập dập, bóp đều rồi rửa lại và để ráo nước.
  • Thui vịt: Thui vịt cho hơi xém bằng bã mía hoặc rơm để tạo vị chuẩn và màu sắc đẹp. Cách khác đơn giản hơn, bạn có thể dùng khò ga hoặc sử dụng giấy bạc đốt cho đến khi da vịt ngả màu nâu sậm. Sau đó, cạo sạch bụi tro, rửa sạch và chặt miếng vừa ăn.
Cách làm vịt giả cầy
Sơ chế thịt vịt nấu vịt giả cầy

Với các nguyên liệu khác nấu vịt giả cầy, bạn sơ chế như sau:

  • Riềng: Cạo sơ vỏ riềng, bụi bẩn, giã nhỏ hoặc thái mỏng xay nhuyễn. Kỹ hơn có thể vắt nước cốt riềng để ướp, giữ lại phần riềng giã để cho vào khi nấu.
  • Nghệ tươi: Cạo vỏ, giã nát, thêm chút nước mẻ hoặc nước cốt chanh để giữ nghệ.
  • Mẻ: Lọc mịn.
  • Sả: Một phần bằm nhỏ, một phần cắt khúc và đập dập.
  • Rau thơm: Hành lá, rau răm, ngò gai, rau ngổ được rửa sạch và vẩy ráo nước.
Cách làm vịt giả cầy
Sơ chế sạch sẽ các nguyên liệu nấu vịt giả cầy khác

Bước 2: Ướp vịt nấu vịt giả cầy miền Bắc

Bước ướp vịt trong cách nấu món vịt giả cầy miền Bắc được thực hiện như sau:

  • Chuẩn bị gia vị ướp: Nước riềng xay và riềng xay nhỏ, nước cốt nghệ tươi, sả băm nhỏ, 3 thìa canh mẻ, 2 thìa canh mắm tôm, 1 thìa canh nước mắm, 1/2 thìa canh rượu trắng, 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê mì chính
  • Ướp thịt vịt: Trộn đều tất cả các gia vị đã chuẩn bị với thịt vịt. Ướp thịt ít nhất trong 1 giờ. Nếu có thời gian, bạn nên bọc màng bọc thực phẩm và để trong tủ lạnh ướp lâu hơn để thịt thấm gia vị.
Cách làm vịt giả cầy
Ướp vịt để nấu giả cầy thịt vịt

Bước 3: Tiến hành nấu vịt giả cầy

Theo kinh nghiệm của nhiều bà nội trợ, cách làm vịt nấu giả cầy ngon, đậm đà cần thực hiện 2 lần lửa. Theo đó, các bạn có thể làm như sau:

  • Nấu lần lửa đầu: Cho phần thịt vịt đã ướp vào nồi, đảo cho săn thịt trong khoảng 5 – 7 phút để gia vị thấm vào thịt. Đổ nước sôi ngập mặt thịt, đun sôi rồi hạ lửa vừa và ninh trong 25 – 30 phút. Tiếp đó, tắt bếp và để thịt vịt nguội.
  • Nấu lần lửa thứ hai: Trước khi ăn, đun thịt lần thứ hai trong khoảng 15 – 20 phút, tùy theo sở thích ăn mềm hay gần mềm. Khi nước cạn còn sóng sánh màu vàng mơ, nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng. Thêm hành lá, rau răm, rau ngổ vào, tắt bếp và múc ra thưởng thức nóng.
Cách làm vịt giả cầy
Tiến hành nấu vịt giả cầy miền Bắc

Bước 4: Trình bày món vịt nấu giả cầy

Để trình bày món vịt giả cầy vừa hấp dẫn về hương vị vừa đẹp mắt, hãy chú ý

  • Chọn miếng thịt vịt đã nấu chín mềm nhưng không bị nát. Xếp thịt vịt đều lên đĩa hoặc bát lớn.
  • Nước vịt giả cầy nên có màu vàng mơ sóng sánh, đặc sệt vừa phải. Chan phần nước này lên thịt vịt, để nước phủ đều lên các miếng thịt.
  • Thêm một ít hành lá, rau răm, và rau ngổ đã rửa sạch và vẩy ráo nước lên trên cùng để tăng phần hấp dẫn và thêm hương vị cho món ăn.
  • Món vịt giả cầy có thể ăn kèm với cơm trắng hoặc bún. Đặt một đĩa cơm trắng hoặc bún tươi bên cạnh đĩa thịt vịt, tạo sự hài hoà và tiện lợi cho người dùng.
Cách làm vịt giả cầy
Trình bày món vịt nấu giả cầy đẹp mắt dậy mùi thơm

Mẹo

Để thực hiện cách nấu món vịt giả cầy chuẩn vị, hấp dẫn đòi hỏi nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó có nguyên liệu tươi ngon và gia vị nêm nếm đậm đà. Sau đây là một số mẹo giúp các bà nội trợ thực hiện cách làm thịt vịt giả cầy ngon:

Cách chọn mua vịt ngon nấu giả cầy

Để món vịt giả cầy thơm ngon chuẩn vị, việc lựa chọn nguyên liệu đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là thịt vịt. Dưới đây là một số bí quyết giúp bạn chọn được vịt ngon:

  • Loại vịt: Nên chọn vịt ta (vịt bầu) thay vì vịt xiêm. Vịt ta có thịt săn chắc, ít mỡ, khi nấu giả cầy sẽ mềm ngọt và không bị bở. Chọn vịt trưởng thành, vừa đủ độ, không quá già cũng không quá non. Nên chọn vịt đực hơn vịt cái vì thịt vịt đực thường săn chắc và thơm ngon hơn.
  • Quan sát ngoại hình: Vịt khỏe mạnh sẽ có ngoại hình cân đối, linh hoạt, mắt sáng, lông mượt. Da vịt vàng óng, không bị trầy xước hay bầm tím. Mỏ vịt và chân vịt có màu vàng tươi. Vịt béo ngậy sẽ có phần ức tròn trịa, da bụng dày.
  • Kiểm tra thịt vịt: Nhấn nhẹ vào phần ức vịt, nếu thịt đàn hồi tốt và không bị lõm thì đó là vịt ngon.
  • Lưu ý: Nên mua vịt còn sống để tự mổ, như vậy sẽ đảm bảo vệ sinh và chất lượng thịt vịt hơn. Khi mổ vịt, cần làm sạch kỹ nội tạng và loại bỏ hết phần hôi tanh để món ăn được thơm ngon.

Các mẹo để món vịt giả cầy ngon miệng hơn

Để thực hiện cách làm vịt giả cầy thơm ngon theo đúng khẩu vị từng vùng miền, bạn có thể tham khảo các mẹo sau:

    • Chọn gia vị chuẩn: Sử dụng “già riềng non mẻ” là bí quyết trong cách nấu giả cầy thịt vịt của các bà, các mẹ ngày xưa. Ngoài ra, thêm chút tương bần cũng giúp món ăn thêm phần đậm đà.
    • Điều chỉnh gia vị theo khẩu vị: Tùy theo khẩu vị của gia đình mà bạn có thể điều chỉnh lượng gia vị cho phù hợp.
    • Thêm nước nếu ăn với bún: Nếu ăn kèm bún, hãy thêm nhiều nước hơn để phù hợp với số người ăn.
  • Đặc trưng vùng miền: Cách nấu thịt vịt giả cầy miền Bắc thì vịt giả cầy có vị đặc trưng từ mẻ. Trong khi đó, cách nấu giả cầy vịt ngon Miền Trung, món ăn đượm vị ngọt từ mật mía và thơm từ lá tắt. Cuối cùng, cách làm món vịt nấu giả cầy miền Nam lại thơm ngậy từ chao và nước dừa.

Trên đây là cách làm vịt giả cầy chuẩn vị miền Bắc. Tuỳ vào khẩu vị của các thành viên trong gia đình, bạn có thể điều chỉnh gia vị cho phù hợp. Để cập nhật các món ngon miền Bắc, miền Trung, miền Nam khác, đừng bỏ lỡ các bài viết tiếp theo của Từ Điển Món Ăn nhé!

Tham khảo:

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *